Vũ Ngọc Nhạ tức "Vũ Ngọc Long- Hai Long"

Vũ Ngọc Nhạ tức "Vũ Ngọc Long- Hai Long"
 
Trần Trung Quân
 
   Đối với người Mỹ, chiến cuộc đẫm máu của người Việt Nam đã được tòa Bạch Ốc cất kỹ vào hồ sơ lịch sử. Trên tư cách cường quốc và "đàn anh" khối tự do, Hoa Kỳ có đầy đủ thẩm quyền bội ước lẫn bội tín, mà không sợ bất cứ một quốc gia nhỏ bé nào lên án, hoặc phản đối chính sách "đâm sau lưng" bằng hữu và đồng minh, dù đã từng ký hiệp ước minh định không bao giờ bỏ rơi.
 
   Đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiến tranh Việt Nam là nấc thang danh vọng để ông bước lên ngôi vị tột đỉnh nhân gian, rồi hưởng thụ, sống một quãng đời giầu sang tột bực.
     Chiến cuộc 1975 chưa có dấu hiệu chung cuộc, chưa có triệu chứng bại trận. Nhưng vì ông Tổng thống tự xem mình là thành phần "ở đợ" cho ngoại bang, giao kèo đã mãn hạn, nên tìm đủ mọi cách trói tay quân đội, cố ý làm băng rã lực lượng chiến đấu của Dân-Quân Miền Nam, để kịp "thanh lý" cuộc chiến theo biểu đồ, theo mật ước Nga-Mỹ. Tổng thống phủi tay ra đi. Tổng thống vuốt mặt cố tình quên hết trách nhiệm, phơi phới sống cuộc đời lưu vong với tài sản khổng lồ nhờ làm "tổng thống", nhờ làm chính trị ăn lương Mỹ và nhờ làm cai thầu xác chết thanh niên miền Nam.
 
   Đối với cộng sản, chiến tranh Việt Nam là một phương tiện làm giàu nhanh nhất, và là cơ hội tiến thân làm vua, làm tướng, làm bộ trưởng…Đảng cộng sản Việt Nam là nơi quy tụ một tập thể sanh ra đời không biết làm gì để sống ngoài nghề giết mướn. Năm 1975, lực lượng giết mướn của Nga tại Hà Nội đã chiếm được miền Nam. Toàn thể nước Việt Nam từ đó bị đảng cộng sản cai trị dã man bằng lưỡi lê Tiệp Khắc, lựu đạn Đông Đức và đại bác Nga Sô. Gần 2 triệu thanh niên hai miền Nam Bắc chết rữa thây ngoài trận mạc. Gần 3 triệu nạn nhân chiến cuộc vĩnh viễn thành phế nhân. Gần 5 triệu người trải qua hai thế hệ chịu cảnh sanh ly tử biệt: mất vợ lìa con, lạc loài cha mẹ, ngàn trùng xa cách người thân. Cả triệu người Việt vào tù ra khám, vì lỡ sanh nhằm thời đại cộng sản cai trị. Kết cuộc, hàng biển máu đào trút xuống đất việt Nam đã bị kẻ thống trị tay sai biến thành trò cười cho thế giới.
 
   Bao nhiêu năm qua, thời gian khá dài để nhiều người muốn quên đi cả nội thù lần ngoại thù. Dĩ nhiên, các thế lực có trách nhiệm gây cảnh tương tàn Việt Nam dường như đã quên hết. Nhưng với người Việt, vì là nạn nhân lẫn nhân chứng, nên vẫn nhớ đời đời. Dưới đống tro lịch sử, lửa hờn còn cháy âm ỉ trong lòng dân Việt. Ai bán nước ? Ai đã phản bội thuộc cấp tháo thân bỏ chạy một mình ? Ai gây cảnh nước mất nhà tan ? Ai tạo ra một việt Nam tù ngục và đói khổ ? Ai dâng hiến quê hương cho cộng sản quốc tế, cho Tầu cộng ? Chầm chậm, thời gian sẽ thắp lên ngọn đuốc lịch sử, để tuy tầm và chỉ mặt từng thủ phạm.
 
   
Vũ Ngọc Nhạ, tên Tướng ngụy quân việt cộng
 
 
Hai Long tức Vũ Ngọc Nhạ và việt gian Phạm văn Đồng
 
  
Hai Long tức Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng
 
  
Vũ Ngọc Nhạ ngồi giữa ở hàng đầu
 
    Trong phần này, nhân vật chính "Hai Long - Vũ Ngọc Long" tức Vũ Ngọc Nhạ, tên điệp viên tình báo chiến lược cộng sản, nằm vùng tại phủ Tổng thống từ năm 1960, sau 1975, hắn đã đã được Việt cộng gắn "quân hàm tướng". Dĩ nhiên, Hai Long được báo chí, cơ quan truyền thông Hà Nội thổi lên chín từng mây, tạo huyền thoại "anh hùng" cộng sản. Đương sự, trưởng cụm tình báo chiến lược dưới bí số A22, hoạt động khá thành công qua vai trò tình báo, phá hoại chính sách, chiến lược Việt Nam Cộng Hòa. Chính hắn là người tạo nên Lê Hữu Thúy, Huỳnh Văn Trọng. Đặc biệt hơn và cũng nghịch cảnh hơn nữa, cũng chính hắn là người sắp xếp kế hoạch giúp cho Nguyễn Văn thiệu trở thành tổng thống Việt Nam cộng Hòa trong 9 năm.
 
   Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã phát giác ra Hai Long từ cuối năm 1959, nhưng đã xài hắn ở cương vị gián điệp nhị trùng. Một cuộc thương lượng ngầm vào đầu tháng giêng 1960: Ông Ngô Đình Nhu không xử bắn Hai Long, thì ở Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng sẽ tha mạng Tạ Đình Đề. Tạ Đình Đề là một điệp viên tình báo chiến lược của ông Ngô Đình Nhu cài lại miền Bắc, bị cơ quan KGB phát hiện vào năm 1958.
 
   Hai Long được Hà Nội tuyên dương "anh hùng gián điệp", được phong quân hàm Đại tướng, tô điểm thêm thắt công lao, quả quyết "chính Hai Long đã phá hủy rất nhiều kế hoạch tối cao của phủ Tổng thống và Bộ tổng Tham Mưu" quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sự thực không phải như vậy, Hai Long cũng chỉ là một điệp viên bình thường chẳng có gì để thần thánh hóa cũng như những lời nói- viết không đúng với sự thật; bởi vì:
 
   Hai Long-Vũ Ngọc Long tức Vũ Ngọc Nhạ chỉ nhờ may mắn quen biết Đức Cha Lê Hữu Từ. Năm 1951, Việt Minh phái hắn tìm cách len lỏi rồi làm phụ tá cho Linh mục Hoàng Quỳnh dưới quyền của Đức Cha Lê Hữu Từ. Ở đây, hắn có môi trường phát triển thế lực cá nhân. Cho nên, năm 1954, hắn theo Đức Cha Lê Hữu Từ trá hình di cư vào Nam hoạt động, hắn được nhiều thiện cảm các nhân sĩ miền Nam, và được xác nhận là "chiến sĩ Công giáo chống cộng".
 
   Chúng tôi không cần phải khen hay chê "tài thao lược gián điệp" của Hai Long. Việc "mèo khen mèo dài đuôi" thì dành cho cộng sản, vốn dĩ có bản chất nói láo và lừa bịp thiên hạ. Chúng tôi chỉ nhắc lại một giai đoạn lịch sử mà thôi:
 
   Năm 1968, CIA bắt trọn ổ Cụm tình báo A22, tòa án Quân sự Sài Gòn xử toàn thể cán bộ cộng sản Cụm 22 chung thân khổ sai. Nhưng, duyên cớ gì ? Lý do gì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký lệnh ân xá Hai Long, trong lúc đương sự thi hành bản án chưa đầy một năm ??? Biết rõ hắn là Cộng Sản qua bản phúc trình mật của CIA tại Sài Gòn vào năm 1967, tại sao ông Nguyễn Văn Thiệu vẫn dùng hắn và đề cử hắn ở chức vụ "Cố vấn phủ Thổng thống" ???
Phóng ảnh lá thư của ông Nguyễn văn Thiệu gửi cho Vũ Ngọc Nhạ
 
   Cộng sản Hà Nội viết nhiều sách nhằm đề cao nhân vật Hai Long, tiểu thuyết hóa hành động của hắn nhằm bôi nhọ Đức Cha Lê hữu Từ, Linh mục Hoàng Quỳnh, đồng thời chế diễu toàn cơ cấu chính trị cũng như quân sự Miền Nam. Chúng tôi nhìn nhận cộng sản làm "đúng", vì có lợi cho cộng sản Hà Nội, nhằm mục đích viết lịch sử một chiều theo cộng sản muốn. "Đúng" vì là cộng sản. Mà cộng sản thì muôn thưở vẫn chạy trốn sự thật lịch sử.
 
   Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử.
 
Buổi sáng, sắp đến giờ làm việc ở những công sở. Thành phố Sài Gòn vẫn còn ngái ngủ với nhiều cửa hàng còn đóng kín, dòng người thức sớm là những nhân viên công chức, thợ thuyền lao động đi bộ, xe đạp, xe gắn máy tới sở làm. Thành thói quen, họ đã tỉnh táo sau bữa điểm tâm, kèm ly cà phê ở những quán cốc bên vỉa hè.
 
Mặt trời chưa lên hẳn. Sài Gòn một buổi sáng tháng 10 năm 1958. Không khí mát mẻ, có hơi lạnh. Thấp thoáng một vài bà đứng tuổi khoác áo len dài tay. Người Sài Gòn có một buổi sáng mát lạnh hiếm hoi thế này, để dùng chiếc áo len cất giữ suốt năm.
 
Hai chiếc mô-bi-lết cũ, mỗi xe chở hai người, tiếng máy nổ giòn tan, phóng nhanh qua cầu Thị Nghè rồi dừng lại ở chân dốc cầu. Họ chận đường một người đàn ông khoảng 30 tuổi; thoạt nhìn, có dáng dấp một nhà giáo, hay một công chức nghạch thấp, cần cù với bổn phận đi làm đúng giờ. Hắn nhướng cặp mắt "vẻ hiền lành" nhìn người đang cản đường mình, bỗng hắn giật mình, có ý bỏ chạy.
 
Một người mặc áo sơ-mi trắng, giơ tay trái ngăn lại:
- Phải anh Long, hỉ ,
- Dạ…
 
Khi được hỏi, hắn lộ vẻ ngạc nhiên. Phía sau hắn, một người mặc áo blouson màu xanh đậm cũng đứng vây sát người hắn.
 
Cặp mắt nghiêm nghị của hai người chận đường, báo hiệu hắn biết chuyện chẳng lành sẽ xảy ra. Người mặc áo sơ-mi trắng lên tiếng tiếp:
- Tình cờ gặp nhau, hay quá! Mời anh vô quán cà phê bên kia đường, mình cần trao đổi với anh một chút tâm sự.
 
Thay vì đẩy hắn vô quán cà phê theo lời mời, hai người chận đường, vẫn tiếp tục cử chỉ thân mật, xô hắn vô một chiếc tắc-xi vừa chạy tới.
 
Phút chốc hắn đã bị ngồi kẹp giữa hai người chận đường. Hắn thấy có một người thứ ba đeo kính mát, chắc là đồng nghiệp của họ, đứng ở cột đén bên kia đường nhìn sang. Khách bộ hành vẫn mãi miết đi, không ai chú ý tới việc vừa xảy ra. Hơn nữa, tâm lý chung, không ai muốn dây vào. Phần khác, cũng có thể do sự việc diễn ra lẹ quá.
 
Chiếc tắc-xi lao nhanh trên đường phố.
 
Hắn ngơ ngác hỏi:
- Sao… Các ông định đưa tôi đi đâu ?
Đáp lại câu hỏi của hắn là sự im lặng.
Hắn hỏi nữa:
- Các ông là ai ?
- Là ai, trước sau rồi bạn cũng sẽ rõ.
 
Hắn liếc mắt nhìn đường phố xem họ đưa mình đi đâu. Hy vọng người quen không nhận ra hắn. Xe vùn vụt phóng nhanh.
 
Tới khu phố bên Vân Đồn, xe chạy chậm lại. Người tài xế nhấn hai tiếng còi nhỏ. Cánh cổng sắt một ngôi nhà bên trái bỗng mở ra. Chiếc xe bò lên hè, lao qua.
 
Hai cánh cổng sắt đã khép lại sau lưng, như vừa nuốt chửng chiếc xe.
 
Bên trong là một ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp đã cũ. Những cánh cửa chớp quay ra đường, sơn màu xanh lá cây, đều đóng kín.
 
   Người mặc áo sơ-mi trắng dẫn hắn vào một căn buồng nhỏ ở ngay sát bậc thềm ra vào. Hắn lần lượt bị thu tấm căn cước, chùm chìa khóa, dây nịt lưng của hắn. Những thủ tục này được hoàn tất một cách nhanh chóng trước sự giám sát của người mặc áo sơ-mi trắng.
 
- Mời bạn bước sang phòng khách! Người mặc áo sơ-mi trắng ra lệnh.
 
Buồng khác ở liền căn phòng nhỏ. Chiếc tủ chè và cỗ xa-lông gỗ mun đen bóng, chạm trổ tinh vi. Một bức tranh thủy mạc lớn, lồng khung kính treo trên tường. Những chiếc đôn sứ… Tất cả nói lên đây là tư thất của một gia đình khá giả, chủ nhân phải là một người lớn tuổi.
 
- Anh ngồi một lát chờ ông Đoàn.
 
Mọi người đều quay đi ra, để lại hắn một mình trong căn buồng.
 
Cặp mắt hắn bị thu hút về những ô kính vào phía trong ngôi nhà. Trước mắt hắn là một cái sân rộng dẫn đến dãy nhà ngang nằm giáp tường phía sau khu biệt thự. Tường khá cao, bên trên lại được gia cố thêm một tấm lưới thép cao không kém một bức tường. Cửa ra vào những phòng ở trên dãy nhà ngang đều khép kín. Người mặc áo sơ-mi trắng ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt ở dãy hành lang. Hắn nhận ra ngay ở dãy nhà này là khu tạm giữ những người bị tình nghi như hắn, và người mặc áo sơ-mi trắng đang làm nhiệm vụ canh gác.
 
 "Ông Đoàn… ?" Hắn bấn loạn tinh thần khi nhớ tới người mang tên Đoàn.
 
Một người đàn ông trọng tuổi bước vào, lẳng lặng kéo ghế ngồi.
 
Người ông ta khá cao, nước da ngâm đen, răng thưa và nhỏ. Mái tóc cắt ngắn, cái nhìn quan sát dè dặt, cách ăn mặc giản dị của người đã quen với sinh hoạt kháng chiến chống Pháp, có tinh thần yêu nước. Đối với hắn, người đàn ông này thuộc hạng "đầu thú" chính quyền Quốc Gia trong chính sách chiêu hồi của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Một kẻ "phản đảng". Hắn suy nghĩ và có cảm giác bị lật tẩy tất cả bí mật về cuộc đời của hắn. Với hắn, trong hoàn cảnh bị sa lưới hiện giờ, cuộc chiến đấu "chống Mỹ-Diệm", đối phó với kẻ thù bên kia trận tuyến bao giờ cũng dễ hơn với những người đã từng đứng chung hàng ngũ.
 
  Sau cái liếc mắt "chạm trán" tư tưởng, người đàn ông thong thả rót nước, bóc bao thuốc đã để trên bàn, lịch sự đặt chén nước trà trước mặt hắn, mời hắn hút thuốc lá.
 
  Hắn rút một điếu, và nói:
 - Cám ơn ông.
 
Người đàn ông nói: "anh cứ tự nhiên". Cũng rút thuốc, đánh diêm hút thuốc, rồi mới đẩy bao diêm về phía hắn. Những cử chỉ xã giao kiểu "đồng chí" khiến cho người đối thoại hiểu rằng: "mình đã đi guốc trong tim đen" lẫn nhau, thì cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra chiều hướng "nên khai thật" hết đi.
 
Người đàn ông lên tiếng:
 - Tôi ở Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn…
 - Dạ…
 
  Chuyện nên biết. Cộng sản bất luận hoạt động ở cấp độ nào cũng phải cảm thấy hiểm nghèo khi bị Đoàn Công Tác Miền Trung thẩm vấn. Nuôi mối thù bất cộng đái thiên, ông Ngô Đình Cẩn ít khi có thái độ hòa dịu với cộng sản. Ông Cẩn là người ít học hơn trong gia đình họ Ngô. Bù lại, ông vượt các ông anh về lòng hiếu thảo và cứng rắn diệt trừ cộng sản.
 
Hắn vẫn thu hai tay ngồi im lặng, nhìn ông Đoàn bằng ánh mắt lo âu. Ông Đoàn hiểu ý hắn, bèn quay mặt về phía cửa kính chuyển sang giọng tâm sự:
- Chúng mình… trước kia là người kháng chiến chống Pháp cả, ta sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi không cần giấu anh, tôi là Dương Văn Hiếu, Trưởng ty công an thừa Thiên (Huế), trước đây là Ủy viên Ban Tư Pháp của Khu ba.
 
- Dạ…
- Chắc anh đã hiểu vì sao tôi mời anh đến ?
Hắn giả vờ ngây thơ:
- Tôi đang đi ở Thị Nghè thì có người kêu lên xe đưa về đây.
 
-  Đúng vậy. Tôi đã cho người đi rước anh. Nếu anh cố tình muốn hiểu thì tôi đi thẳng vào ngay vấn đề. Ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn đánh giá rất cao những người kháng chiến cũ. Ông tin rằng, nếu có sự hợp tác giữa người kháng chiến cũ với người Quốc Gia, thì sẽ tiêu diệt cộng sản và sẽ thống nhất được đất nước. Trong hàng ngũ Quốc Gia, tôi xác nhận với các anh, không có kỳ thị. Tôi cũng là Việt Minh, rồi bị cộng sản lừa, tôi trở về hàng ngũ Quốc Gia và được giao trọng trách. Anh có ý kiến gì không ?
 
- Nhưng thưa ông, tôi đâu phải là người phía bên kia!
 
Dương Văn Hiếu cười khinh bỉ:
- Tôi muốn kêu gọi thiện chí của anh, nhưng ít nhất là lúc này, anh đã làm tôi thất vọng. Anh chỉ có hai sự lựa chọn: một là chân thành hợp tác với chúng tôi để trở về, hai là cứ trung thành với lý tưởng cộng sản. Cỡ hạng người như anh và tôi, chúng ta quá hiểu nhau, nên không ai có thể lừa gạt được ai. Thưa anh, hai năm, 1956-1957, tôi đã đập tan toàn bộ mạng lưới tình báo quân sự Việt cộng ở Miền trung, và tôi đang làm tiếp tại Sài Gòn.
- Dạ tôi tin, nhưng ở trường hợp của tôi, tôi e có sự lầm lẫn.
- Anh đừng ngây thơ tưởng rằng chúng tôi biết về anh quá ít. Tôi đã có vài năm để theo dõi anh. Tôi dành cho anh một thời gian để suy nghĩ…
 
Trưởng ty công an miền Trung vụt đứng dậy bỏ ra ngoài.
 
Hai nhân viên dẫn hắn đi qua một khu vườn. Lá rụng đầy. Những chậu cây cảnh, hoa quý lâu ngày không dược chăm bón. Trong những năm hoạt động nội thành thời gian 1950-1952, hắn có dịp đi ngang bến Vân Đồn. Một người bạn kể với hắn, nhà Bảy Viễn ở quãng này. Nay tình cờ bước vô nhà cũ của Bãy Viễn. Bãy Viễn là người cầm đầu lực lượng võ trang Bình Xuyên, đã được Bảo Đại phong cấp "thiếu tướng". Sau khi truất phế Bảo Đại, Thủ tướng Ngô Đình Diệm thống nhất Quân Đội Quốc Gia, bảy Viễn chống cự và cuối cùng lực lượng bị đánh tan rã ở khu Rừng Sát.
 
Dẫn hắn tới dãy nhà ngang, hai nhân viên đưa cho hắn một cái mền và cái mùng chiếc, rồi nói buông thỏng:
- Vô đây!
 
Hắn lấy tay đập bụi trên mặt nệm, đẩy chiếc giường vào sát tường rồi nằm lên, vắt tay lên trán lo lắng: "Mấy ngày nay không có gì báo hiệu tai biến sắp tới. bọn nó đã bắt mình. "Trung tâm" đã chuận bị rất chu đáo. Một lý lịch với đầy đủ "nguyên gốc". Một trình tự làm việc thật sự với chính phủ Quốc Gia. Hắn đã đi xa nửa vòng trái đất trước khi trở về Sài Gòn. Ở đây hắn cũng có một "bình phong" qua chức vụ Bí thư của Đức Cha Lê Hữu Từ. Và nhất là, hắn được lệnh ẩn nhẫn đợi thời. Hắn đã cố gắng tránh mọi khinh xuất, luôn luôn lưu tâm đến mọi dấu hiệu dù nhỏ, có thể đe dọa sự an toàn của hắn. Mọi nguyên tắc hoạt động bí mật đều được giữ kín.
 
Hắn nhớ lại từng lời của Dương Văn Hiếu. Hắn bỏ qua những câu thiện chí "chiêu hồi". Hiếu vẫn úp lá bài, chưa hề hé cho biết đã bắt hắn vì chuyện gì. Nhân viên tình báo chiến lược ? Phải có bằng chứng! Và câu nói đã làm hắn chột dạ: "anh đừng tưởng rằng chúng tôi biết quá ít về anh, chúng tôi có vài năm để theo dõi anh". Hắn nghĩ chắc chưa có ai biết gì về hắn.
 
Nhưng trong cuộc đời vẫn thường xảy ra nhiều trường hợp, một người không hề quen biết, lại biết rất rõ về mình…
 
Bỗng hắn nghe tiếng gõ cạch cạch nho nhỏ ở phía bên kia tường. Từng ba tiếng một đều đều. Một người nào đó muốn ra ám hiệu cho hắn. Người đó là ai ? Người quen ? Một người cùng chung phe với hắn ? Cuối cùng, hắn đập hai bàn tay hai lần vào tường. Tùy người đó muốn hiểu đây là sự hưởng ứng tiếng gọi tìm bạn, hay một cách khước từ.
 
Một giọng Bắc vừa đủ nghe, từ buồng bên vọng sang:
- Mới tới phải không ?
- Mới tới.
 
Mỗi căn phòng dãy nhà ngang chỉ cách nhau một bức tường lửng, không có trần, nên những người ở gần nhau vẫn có thể trò chuyện trao đổi.
- Gặp ông Đoàn chưa ?
- Rồi.
- Hai Long phải không ?
 Sao người này gọi đúng bí danh mình ?
- Ai đó ?
- Cũng bị bắt như anh thôi! Sáng nay nghe các "anh em" nhắc tên anh. Một lát thì anh tới.
 
Giọng nói tự nhiên. Hắn linh cảm đây là một người tốt. Lời thăm hỏi của người cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng ? Hắn cảm thấy được an ủi. Mình không biến biệt tích, biệt tăm. Ít nhất ngoài mật vụ VNCH, cũng còn có một người nữa biết mình bị bắt vô đây.
 
Hắn đã rơi vào tình huống xấu nhất của những người hoạt động "trong lòng địch". Một tình huống hiểm nghèo mà cấp trên của hắn phải nghiên cứu cẩn thận để đối phó, khi nó chẳng may xảy ra. Đây là một cuộc chiến đấu sinh tử. Một bên là quyết lật đổ chính quyền và nhuộm đỏ chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam. Một bên tận lực phòng thủ và bảo vệ mảnh đất tự do còn lại của đất nước. Hắn được "đào tạo" trong mọi tình huống là bảo vệ đến cùng sự ngụy trang, giữ vững thế hợp pháp để tiếp tục đánh phá miền Nam.
 
Nhân viên nhà bếp vào thu bát ăn, cả phần cơm với thịt còn nguyên. Người nhà bếp hỏi:
- Răng mà không ăn ?
- Tôi có đạo.
- Thứ Sáu kiêng thịt hỉ ? Chiều lấy rau thôi hè.
Nhân viên an ninh từ phía đầu nhà đi lại:
- Xin ông chuẩn bị chiều nay gặp ông Đoàn.
 
Dương Văn Hiếu ngồi chờ hắn trong một căn buồng xép. Cửa sổ đóng kín. Giữa ban ngày, ngọn đèn và hai cái ghế tựa xoàng xĩnh.
 
- Chắc anh đã có đủ thời giờ suy nghĩ về những điều tôi đã nói bữa trước ?
 
Dương Văn Hiếu mở đầu với giọng ôn tồn, dụng tâm tìm cách chiêu hồi, kéo hắn về phía người quốc Gia.
 
Dạ… Tôi nóng lòng được gặp ông, vì thấy bị giữ lâu quá.
 
 Hiếu rút từ trong ngăn kéo ra một xấp giấy, đặt lên bàn:
- Anh ngồi đây viết bản tường trình lý lịch và những hoạt động của anh theo những mục đã ghi. Từ chiều nay, mỗi ngày hai buổi, anh lên đây viết cho xong. Anh cần nhiều thời gian không ?
- Chắc cũng không lâu.
- Tôi dành cho anh một cơ hội để biểu lộ thiện chí.
 
Hiếu nói xong, rồi bước quay ra.
 
Hắn lập lên một bản lý lịch tưởng tượng có tính cách chuyên môn của một tên gián điệp. Hắn xuất thân từ một gia đình Công giáo, có ít nhiều ruộng ở miền Bắc, quê nội ở Thái Bình, quê ngoại ở Phát Diệm. Thời thanh niên, học tại Hà Nội, kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội Việt Minh, bị kỳ thị vì gia đình là địa chủ và Công giáo, hắn bỏ bộ đội về Phát Diệm, sống với bên ngoại một thời gian, rồi lên Hà Nội tiếp tục đi học. Khi được tin gia đình ở vùng Việt Minh bị đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất, hắn xin vào quân đội Pháp với ý định chiến đấu trả thù. Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và rút quân về nước; hắn chán nản, quyết định đi theo quân đội, và sang Pháp kiếm được một công việc làm độ nhật tại một trang trại trồng nho. Vợ con hắn sống ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, yêu cầu hắn trở về. Từ đó tới nay, gia đình hắn sống cuộc đời như những người giáo dân di cư lương thiện, chăm lo làm ăn kiếm sống, không đóng góp được gì nhiều, nhưng không hề làm điều gì phương hại cho quốc Gia. Hắn không hiểu vì đâu mình bị bắt. Hắn nói chắc đây là một sự lầm lẫn, yêu cầu phải trả tự do, và thông báo cho gia đình biết hắn đang bị cầm giữ.
 
Ba ngày sau khi hắn nộp bản tường trình, Dương Văn Hiếu gọi hắn lên. Hiếu ngồi đợi ở bàn, vẻ mặt không hài lòng:
- Tôi đã nói: không phải vì vô cớ mà tôi cho bắt anh.
- Dạ… tôi không nói là như vây.
- Nhưng với lời khai báo hoàn toàn chuyên nghiệp như thế này, thì có nghĩa là anh bị bắt oan ?
- Những điều tôi khai là sự thật, tôi sẽ nộp đủ giấy tờ để các ông sưu tra.
- Chính những lời khai này, anh đã tự tố cáo anh là một tên Việt cộng nằm vùng. Anh nên hiểu, chúng ta ở một trình độ quân báo và tình báo, khó có ai mà lừa được ai. Thà nói thật, để cuộc đấu trí giữa anh và tôi khỏi mất thời gian. Anh sang Pháp với tư cách đại diện tình báo cộng sản, hợp tác với phòng nhì Pháp, chỉ điểm bắt những thành phần Quốc Gia kháng chiến chống Pháp. Lời khai làm mướn trong một trang trại trồng nho ở Pháp là sự tưởng tượng ấu trĩ.
- Tôi chưa hiểu ý của ông Đoàn.
Hiếu quay ra cửa gọi to:
- Mời ông Tá sang!
 
Một người xuất hiện trước cửa. Hắn nhận ra ngay người này là kẻ đã theo dõi hắn hôm trước gần cầu Thị Nghè.
 
Hiếu nhả vài hơi thuốc rồi ôn tồn nói với hắn:
- Anh đã để lỡ một cơ hội chứng tỏ thiện chí của mình.
- Dạ…
- Chúng tôi biết anh là ai. Biết từ nhiều năm qua. Đã nói trước là chúng tôi không bao giờ bắt lầm, những anh vẫn cố tình giấu cái gốc cộng sản.
- Thưa đó, là chuyện quá khứ…
 
Hiếu ngắt lời hắn:
- Để cho tôi nói hết, xin phép anh. Nội vụ của anh rất phức tạp. Chúng tôi đã nắm được cả. Tôi dành cho anh một cơ hội cuối cùng. Nếu anh không thú nhận hết, thì chính anh tự làm hại mình. Tôi đề nghị anh nên làm lại bản tường trình. Và anh Tá cứ làm bổn phận.
 
Một thói quen nhà binh lâu năm. Ông Tá đưa tay chào, rồi kéo ghế ngồi.
Hiếu hỏi hắn:
- Anh có biết ông Tá là ai không ?
 
Hắn cố bình tĩnh:
- Tôi chưa hân hạnh được biết ông đây.
Ông Tá cười nhẹ:
- Nhưng tôi lại biết quý anh rất rõ. Biết cả tính danh và chức vụ Đảng của anh khi ở miền Bắc. Anh là Vũ Ngọc Nhạ.
 
Hắn giựt bắn người lên. Hơi biến sắc. Nhưng đã qua kinh nghiệm trước những trường hợp hỏi cung như thế này, hắn khiêm tốn trả lời:
- Dạ…
Ông Tá cướp lời hắn:
- Tôi là Tá, Tá đen, quân báo của Trung đoàn 6, đại đoàn 325 bí danh của sư đoàn này năm 1951 là Đồng Bằng. Tôi đã được cùng làm việc với anh không phải chỉ một lần, trong trận càn quét Mercure…
 
Hắn biết mình đã rơi vào trường hợp không may của những tên hoạt động bí mật cho cộng sản, tình cờ gặp phải một hồi chánh viên hiểu rõ nguồn gốc của mình! Cần "khắc phục" lại chủ động, hắn thản nhiên đóng kịch tiếp:
- Vậy mà tôi không nhận ra ông! Trí nhớ của tôi gần đây tệ quá. Hồi đó, tôi là Tỉnh ủy Thái Bình, tôi mang bí danh để hoạt động cho Việt Minh ở vùng Pháp chiếm đóng. Tôi vẫn thường đến liên lạc công tác với anh Sinh và anh Hằng ở ban quân báo trung ương.
- Anh là cấp ủy Đảng cao, thì chú ý đến thủ trưởng, chứ ngó gì đến lính tráng như chúng tôi. Tôi nhớ hồi đó thường làm việc ban đêm, đèn dầu tù mù, đâu có điện sáng choang như bây giờ. Nhưng tôi đã nhận ra anh rồi, dạo ấy ta gặp nhau ở làng Cọi, Vũ Tiên phải không ?
Hắn vờ lãng trí:
- Làng Cọi !
- Tôi gặp anh luôn mà anh không biết đấy thôi, tiếp quản thị xã Thái Bình tôi còn gặp anh.
- Điều này thì chắc chắn ông lầm! Sau trận càn quét Mercure, tôi về Khu chính huấn cách mạng Việt Nam, biết mình không thể sống với Việt Minh, tôi trở về Phát Diệm luôn, và sau đó vào thành. Từ năm 1953, tôi đã ở trong quân đội Pháp. Và xin lỗi nếu tôi lỡ lời. Ông có trí nhớ rất tốt về người. Tôi lại có trí nhớ rất tốt về thời gian. Trận càn quét Mercure diễn ra ngày 26 tháng 3 năm 1953 với Đức giám Mục Lê Hữu Từ và các sĩ quan Pháp.
 
Dương Văn Hiếu nhận thấy màn kịch chạy tội do hắn diễn đã quá đủ, khoác tay ra lệnh ông Tá:
- Chừng đó đủ rồi! Cám ơn anh Tá. Anh trở về làm việc, để tôi nói chuyện tiếp với anh đây.
 
Hiếu quay sang hỏi hắn:
- Anh nghĩ sao ?
- Dạ tôi bị lầm lẫn.
Hiếu ra khỏi phòng. Hắn cố nén một tiếng thở dài nhẹ nhõm.
Hắn đã viết xong bản tường trình lần thứ hai.
 
Hắn nằm thêm một tháng ở trại giam Vân Đồn, không ai hỏi han tới.
 
Ông bạn nói chuyện bên buồng đã chuyển đi nơi khác. Nhiều người khác có đủ bằng chứng hoạt động cộng sản đã được đưa ra tòa xét xử. Một số khác nữa, chịu quay trở về hàng ngũ Quốc Gia đều được trả tự do, hoặc về làm ăn, hoặc gia nhập cơ quan chính quyền VNCH.
 
Hắn lo ngại phần mình sẽ diễn tiến tới đâu! Ngôi nhà cũ của Bảy Viễn rõ ràng là nơi giữ tạm thời. Và nơi đây, Dương Văn Hiếu, Trưởng ty công an Thừa Thiên chỉ làm công tác sơ thẩm.
 
Thời gian bị giam tới tuần lễ thứ sáu. Hiếu mới cho gọi hắn. Vẫn một mực giữ thái độ hòa nhã:
- Tôi không thỏa mãn với những điều anh đã viết. Một người gián điệp giỏi như anh, sao đóng kịch một cách quá ngây thơ ?
- Dạ…
- Tôi không có cách nào khác và ngoài thẩm quyền quyết định của tôi, nên đành phải gửi anh ra miền Trung để cứu xét thêm.
- Thưa ông, chẳng lẽ những vấn đề của tôi lại không thể giải quyết ngay ở đây ?
- Không thể được. Vì toàn bộ hồ sơ về anh, những nhân chứng đều nằm cả ngoài đó.
 
Hắn hiểu, đúng như hắn dự đoán, mọi việc không kết thúc ở đây. Dương Văn Hiếu chỉ làm một số việc phúc trình theo thủ tục, rồi đưa hắn đi.
Được tin Đức Cha Lê Hữu Từ ra Huế, muốn gặp người phụ tá của mình. Ông Cẩn vội vàng ra lệnh cho Lê Văn Dư lái xe đưa hắn về đi gặp Đức Cha, và chở ngay hắn về Phủ Cam sau buổi hội kiến.
 
Giữa gia đình họ Ngô và Đức Cha Lê Hữu Từ vốn có một mối giao tình khá đặc biệt:
 
Khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, ông Ngô Đình Khôi, một thời làm Tổng đốc Quảng Nam, bị cộng sản giết chết. Hai anh em của ông là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị cộng sản truy nã để thủ tiêu, đang tìm cách ra ngoại quốc. Đức Cha Lê Hữu Từ khi đó là Giám mục địa phận Phát Diệm, đã đón ông Nhu về đây, giấu ông Nhu ở Nhà Chung một thời gian, rồi cho người đưa trốn sang Lào.
 
Cho đến năm 1954, Giám mục Lê Hữu Từ ủng hộ ông Diệm lúc ban đầu, thời gian vừa lên chấp chánh, ông Diệm là người có ân tình với Đức Cha. Mỹ lại âm mưu gạt Pháp ra khỏi Việt Nam. Đức Cha Lê Hữu Từ là người có khuynh hướng cảm tình với người Pháp, không thích Mỹ, không tán thành chủ trương này. Nhưng Mỹ cứ làm.
 
Đức Cha vẫn cần Tổng thống Diệm, trên tư cách chánh quyền có thể giúp đỡ cựu chiến binh Phát Diệm về nhiều mặt, đặc biệt là công ăn việc làm.
 
Đôi bên đang đứng nhìn nhau trên hai bờ của một con sông còn thiếu một cây cầu. Và cộng sản nhảy vô làm cây cầu.
 
Sau khi được tấm thiếp của Đức Cha, hắn có nhiều hy vọng Đức Cha sẽ ra thăm Thuận Hóa. Chỉ có sự xuất hiện của Đức Cha mới thay đổi được hoàn cảnh của hắn ở đây. Theo sự suy luận của hắn, thì bất cứ một người giáo dân Phát Diệm nào ở vào vị trí hiện thời như hắn, cũng xứng đáng được Đức Cha lo lắng.
 
Nhưng khi được tin Đức Cha tới, hắn vẫn bị bất ngờ. Vì hắn không ngờ Đức Cha tới sớm như vậy.
 
Đây là lần đầu hắn tiếp kiến Đức Cha. Bức hình chụp với cha ở Hải Phòng, ít nhất, cũng nhắc nhở cha, người giáo dân trong quân đội Pháp đã hết lòng phục vụ đồng bào di cư và các cha có mặt tại đó. Rất có thể cha cũng tưởng hắn chính là người của Phát Diệm. Cha có hàng vạn con cái, làm sao ngài có thể nhớ mặt tất cả mọi người. Và một khi cha đã cất công ra tận đây gặp hắn, chắc ngài đã nghe cha Hoàng Quỳnh nói những điều tốt lành của hắn.
 
Hắn cảm thấy hoàn toàn tự tin trên con đường đến gặp Đức Cha.
 
Đức Cha Từ ngồi trong căn phòng khách vắng vẻ của nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Thoáng nhìn, hắn thấy ngay Đức Cha đang nóng ruột đợi hắn.
 
Hắn lao vội tới quỳ gối xuống hôn tay cha, một bàn tay dù đã nhăn nheo vì tuổi tác nhưng vẫn rắn chắc và đỏ như son.
 
- Con khỏe chứ ?
 
Đức Cha hỏi bằng một giọng thân mật, ngọt ngào nhưng vẫn trang trọng.
- Trình Đức Cha, con khỏe.
 
Đôi mắt rớm lệ, hắn nói tiếp:
- Chắc Đức Cha vẫn chưa quên con. Con không bao giờ quên những ngày ở Thánh địa Phát Diệm với Đức Cha.
 
- Quên sao được! Đức Cha chăm chú nhìn hắn. So với ngày ấy thì hắn thay đổi khá nhiều.
 
 - Thưa Đức Cha, đã mười sáu tháng, con sống trong cảnh giam cầm. Nếu không vì quyền lợi của giáo hội, của giáo dân Phát Diệm-Bùi Chu, con đã con không chịu đựng cảnh tù túng này (nghĩa là hắn muốn nói, hắn bị tù vì là con cái của Cha Từ, chớ không hề dính líu đến cộng sản).
 
Cặp mắt Đức Cha chốc chốc lại nhìn hắn chăm chú. Hắn hiểu là Đức Cha đang ngầm so sánh người ngồi trước mặt với người trong bức ảnh cùng chụp với Đức Cha…
 
Bỗng nhiên Đức Cha đứng lên, cầm quyển Thánh Kinh tiến dần tới hắn:
- Con để tay lên Thánh Kinh, rồi cha có mấy lời nói với con.
 
Hắn biến sắc mặt, nhưng cố gượng bình tĩnh, quỳ dưới chân Đức Cha, bàn tay hắn dằn lên quyển Thánh Kinh.
 
Khuôn mặt uy nghiêm, khắc khổ của Đức Cha dần dần hiện ra:
- Con tuyên thệ trước mặt cha, một lời rằng, con không phải là người cộng sản.
- Con xin thề, nếu con là người của cộng sản, xin Chúa hãy trừng phạt con.
 
Đức Cha đỡ hắn lên, rồi nói:
 
- Đại Tá Lê Quang Tung quả quyết con là gián điệp cộng sản. Nhưng con đã thề với Chúa, con không phải là cộng sản. Cha không biết tin ai. Cha chỉ biết tin Chúa. Nếu con dối gạt cha, tội lỗi này cha sẽ gánh hết cho con.
 
- Con luôn luôn tâm niệm, con là người của Chúa và của Đức Cha.
 
Trước khi từ giã hắn, Đức Cha Từ nói:
- Cha Hoàng Quỳnh gửi lời thăm con.
- Con không bao giờ quên cha Quỳnh, không quên mình là giáo dân Phát Diệm. Con rất lo cho sức khỏe của Đức cha, Đức cha cần giữ mình vàng để chăn dắt giáo dân Phát Diệm, không để chúng con bơ vơ.
- Cha rất khỏe, cầu Chúa phù hộ cho con.
 
***
 
Buổi chiều, Lê Khắc Duyệt mới phóng xe đến kêu hắn sang gặp ông Ngô Đình Cẩn. Hắn đoán, đây là một cuộc gặp quan trọng.
 
Khi gặp, ông Cẩn cùng đi với hắn vào nhà và nói nhỏ:
- Ông Nhu mới ở Sài Gòn ra. Ông muốn gặp anh ngay. Anh ngồi một lát chờ ông Nhu. Ông vô vấn an Cụ cố. Ông Cẩn nói rồi quay ra.
 
Hắn chọn chiếc ghế quay mặt về phía ngôi nhà Cụ cố, để có thể nhìn thấy ông Nhu ngay, khi ông từ đó đi ra.
 
Hắn cảm thấy bàng hoàng. Gió chiều từ phía sông An Cựu thổi về lùa vào ngôi nhà họ Ngô trầm lặng, mênh mông… Hắn như người đã dốc hết sức lực leo lên một đỉnh tháp cao, đến lúc dừng lại, nhìn xuống. Hắn cảm thấy ngộp vì tình thế chênh vênh của hắn.
 
Tại sao ông Nhu lại ra tận Huế gặp hắn ?  Gặp ông Nhu vào thời điểm này có đem lại cho mình được nhiều mối lợi ? Hắn nghĩ rằng cơ hội đã tạo cho hắn một cái thế, mặc dầu đây chỉ là thế mượn, để trực diện với ông Nhu. Nghĩ như vậy, đầu óc hắn trở lại bình tĩnh và cảm thấy phấn chấn hơn.
 
Một người từ căn nhà Cụ cố đi ra. Khác hẳn với ông Cẩn, ông có tầm vóc cao hơn. Ông mặc bộ đồ len sẫm màu, chiếc áo len cổ lọ kéo lên tận mang tai. Ông Nhu đi về phía trước, hai bàn tay để giáp ngực, những ngón tay đan vào nhau. Thoạt trông như ông đang chống với cái lạnh từ luồng gió ngoài sông thổi về. Nhưng hắn lại thấy hai bàn tay ông Nhu rời nhau, bàn tay phải nắm chặt lại, đập vào bàn tay trái. Hắn biết ông Nhu đang bận tâm suy nghĩ một điều gì...
 
Hắn vội vàng đứng lên trong khi ông Nhu chưa kịp thấy hắn. Hắn cần phải chuẩn bị cho mình một tư thế trong những giây phút đầu tiên.
 
Từ xa, ông Nhu nhìn thấy hắn. Ông tiến lại như muốn thu ngắn khoảng cách. Khuôn mặt đã mang nhiều dấu nếp nhăn suy tư, hơi bị hóp lại phía dưới. Dưới cặp lông mày nằm ngang nổi lên một cặp mắt rất sắc.
 
Hắn vừa dừng lại, định cúi đầu chào, thì ông Ngô Đình Nhu đã bước nhanh lại chìa tay ra, siết thật chặt, đôi mắt sáng ngời, ông Nhu cất tiếng chào nồng nhiệt, cởi mở:
 
- Bonjour camarade! (chào bạn!).
 
Hai bên cầm tay nhau trao đổi những câu thăm hỏi sức khỏe bằng tiếng Pháp. Hắn nói:
- Thưa ông cố vấn, sáng nay ông cũng đã gặp Đức cha ?
- Có tôi gặp Đức Cha ít phút ở sân bay Phú Bài, chỉ trao đổi đôi lời vấn an. Cha hồng hào, khỏe mạnh, nhưng hình như cha vẫn dè dặt.
-Thưa ông cố vấn, tôi nghĩ rằng câu chuyên sẽ khá dài. Những điều tôi viết trong tường trình là rất vắn tắt, nên e rằng sẽ không giúp ích gì cho ông cố vấn. Cần phải đi sâu vào từng vấn đề, từng con người, từng chi tiết mới mong bộc bạch với ông cố vấn nhiều điều chưa có dịp nói ra.
- Très bon! (rất tốt!). Vì vậy, tôi mới cất công ra đây. Tôi đã nói với cậu Út, chiều và đêm nay anh ở đây. Anh và tôi trao đổi trước khi tôi ra máy bay. Chúng ta nói chuyện một cách thẳng thắn. Cũng cần nói trước là tôi có những điểm không đồng tình với bản nhận định của anh.
 
Cặp mắt đang nồng nhiệt của ông Nhu bỗng trở nên lạnh băng và đầy uy quyền:
 
- Em tôi không hiểu chính trị, sau này, không còn có tôi, em tôi sẽ chết vì chính trị. Cho nên đã dốc lòng tin anh. Đức Cha, ân nhân của tôi, mà anh là phụ tá của ngài. Có nhiều trở ngại khiến tôi khó xử tội anh. Nhưng trở ngại lớn nhất, hệ trọng nhất, sinh tử nhất, là người thân nhất của tôi: Tạ Đình Đề, hoạt động tình báo cho hàng ngũ Quốc Gia, vừa bị KGB phát giác. Đại diện của tôi tại miền Bắc, đồng ý đi đến một thỏa hiệp với Hồ Chí Minh không xử bắn Tạ Đình Đề, thì ở trong Nam, anh vẫn sống ung dung dưới chiếc bóng của giáo khu Phát Diệm. Tuy nhiên, thỏa hiệp chỉ có tính cách tạm thời, khi không còn có tôi nữa, sinh mạng anh, anh tự lo lấy. Và khi không còn Hồ Chí Minh nữa, tính mạng của Tạ Đình Đề được quyết định bởi đảng cộng sản.
 
Mồ hôi chảy từ vầng trán, rớt lộp độp xuống khuôn mặt mất máu của hắn.
Ông Ngô Đình Nhu nói tiếp:
 
 - Như anh đã thấy, anh em tôi chống đỡ cùng một lúc nhiều thứ: Cộng sản xâm lăng, Mỹ ép ta phải biến thành một thứ tay sai đắc lực, chống cộng theo chiều hướng mất chính nghĩa dân tộc, Pháp lăm le phá rối… Đảng phái, nếu Tổng thống không thỏa mãn chức tước, quyền lợi phe nhóm, một số bỏ theo cộng sản, một số ở lại gây chuyện tư thù với chế độ Cộng Hòa. Trước mặt tôi, anh là một cộng sản cao cấp, tính mạng anh nằm trong tay tôi, mà hoàn cảnh thì không cho phép tôi xử tử hình anh. Vậy, anh hãy xem những lời tâm sự của tôi, trên bình diện dân tộc. người cộng sản không nhìn nhận, nhưng người Quốc Gia Hữu Thần đã công nhận, sau nội thù chém giết, cái còn lại là người Việt Nam. Nhưng sau tôi, Việt Nam còn lại những gì, anh biết không ?
 
- Dạ thưa, nghèo đói và chậm tiến.
 
- Chưa đúng hẳn. Sau tôi, Việt Nam là Cộng Sản!
 
Hắn cố gắng để lấy lại bình tĩnh, sau khi ông Nhu đã biết hắn là ai.
Bỗng ông Nhu dằn từng tiếng:
- Hồi nào đến giờ, Tổng thống vẫn một lòng kính mến Đức Cha. Lê Quang Luật đã tách ra, đi với Đại Việt. Nguyễn Văn Châu đi hàng hai, hàng ba. Cha Quỳnh, cha Lộc cặp kè với nhóm đối lập, đòi mở rộng thành phần chánh phủ. Đó, toàn là người của Đức Cha, của Phát Diệm-Bùi Chu. Ai mở rộng chánh phủ cách mạng cho bọn xôi thịt ? Bọn chính khách xa-lông?
 
Nhìn thấy ông Cẩn đi vào, ông Nhu chuyển sang tiếng Pháp:
 - Chính anh, tác giả bản nhận định tình hình, anh có dụng ý gì khi trao bản đó tới tay chúng tôi , Anh định đem danh Đức Cha để áp đảo chế độ, định lập công chuộc tội, để luật pháp trả tự do cho anh và rồi anh tìm cách trốn vô khu cộng sản ?
Ông Cẩn bước lại:
- Thưa anh, em mời anh và thầy phụ tá nghỉ một lát. Cơm đã dọn dưới nhà rồi.
Hắn cố nói:
- Tôi xin ông cố vấn xét lại…
- Tôi cần anh một thái độ bình tĩnh.
- Thưa ông cố vấn, tôi đã nghĩ ra là nên biết an phận tù đày.
Ông Nhu xẵng giọng:
- Ai bắt anh tù ? Nếu anh là tù như những tù cộng sản khác, chắc chắn Đức Cha không lui tới thăm anh ? Tôi buồn phiền vì cha Hoàng Quỳnh và nhóm Lê Quang Luật cùng phe cánh làm nhiều chuyện xằng bậy. Thôi, bây giờ ta nghỉ, đi ăn cơm chiều. Buổi tối mình gặp lại.
 
***
 
Sau khi vào Sài Gòn. Trong một lần hắn được ông Nhu đưa vào phòng làm việc của ông.
 
Lần đầu, hắn lọt vào căn phòng này. Nó giống như một thư viện. Rất nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Anh được sắp xếp ngăn nắp. Một chiếc tủ lớn, chia thành nhiều ngăn đều nhau, đánh dấu từ A đến Z, cánh cửa đều có khóa. Đây là tủ lưu trữ những tài liệu mật. Giữa nhà là một cái bàn lớn. Trên bàn để nhiều tập hồ sơ. Dưới ngọn đèn bàn có chao xanh, là một đống công văn, giấy tờ. Cái gạt tàn thuốc lá ắp đầy tro và những mẫu thuốc lá.
 
Người hắn nóng ầm lên. Những điều hắn và Cục R cần biết đều tập trung ở căn phòng này. Mọi quyết dịnh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa hình thành ở nơi đây. Đây là một thế giới riêng của ông Nhu, không ai được xâm phạm.
 
Sai hết: căn phòng này ông Nhu dựng ra để đánh lừa gián điệp nội tuyến và hắn. Lừa hắn, tức lừa luôn Cục R bằng những tài liệu giả tạo, hoặc không còn cần thiết giữ tối mật nữa, hoặc giá trị đã mất đi vì đã có kế hoạch mới hay chính sách mới. Căn phòng lưu trữ tài liệu mật Quốc Gia mà hắn tưởng hốt ngon lành, sau này cộng sản Hà Nội mới biết là một văn khố ngụy trang, để đánh lạc hướng tình báo chiến lược cộng sản.
 
Ông Nhu trỏ chiếc ghế bành, vuốt ngược tóc lên trán, vỗ vỗ tay vào mấy cái như để lấy lại sự ổn định cân bằng trong đầu óc. Những nếp nhăn chạy dài trên vầng trán rộng ưu tư. Ông Nhu có vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày làm việc căng thẳng. Từ sau ngày nổ ra vụ Phật giáo, ông Nhu buộc phải thay đổi thói quen ẩn dật, bắt đầu xuất hiện trước mọi người, tham dự những cuộc họp với các tướng lãnh, những cuộc họp về an ninh và những hội nghị đông người, làm nhiều việc mà ông thấy không thể ủy thác cho ai được.
 
Ông Nhu nhìn đống giấy tờ trên bàn, làm một động tác quen thuộc, xoa xoa hai bàn tay vào nhau, lấy những ngón tay nọ vuốt những ngón tay kia, rồi nói:
 - Cả đêm đọc bao nhiêu báo cáo, bao nhiêu nguồn tin, mà rút lại chẳng thấy gì! Báo cáo nào cũng dày cộm chẳng khác gì bản luận án. Những diễn biến mới trong nội bộ Phật giáo, nhóm Caravelle, trí thức, quân đội, tình hình cộng sản hoạt động… đều không rõ. Tổng kết không được! Nhiều việc quá, thì giờ không đủ. Tôi muốn nhờ anh đọc và tổng hợp giúp. Nói xong, ông Nhu ngã người ra chiếc ghế như đã kiệt sức.
 
Hắn không vồ vập, im lặng để tỏ ra nhận lời. Trong bụng mừng run, chỉ sợ ông Nhu thay đổi ý kiến. Cục R vừa ra lệnh hắn sớm báo cáo tình hình mới nhất về "Ấp Chiến Lược, tình hình chính trị, quân sự và ý đồ của Nhu". Từ nay, hắn sẽ mặc sức cung cấp và cả những bản chính.
 
Sau năm 1963, Cục R phát giác ra, những bản tin "bí mật quốc gia" do hắn cung cấp đều là những tài liệu do Đại Tá Lê Quang Tung đã ngụy tạo, không có giá trị và suốt thời kỳ đó, Hà Nội không nắm vững được rằng ông Nhu muốn làm những gì, sẽ làm gì trong cuộc chiến tranh chống tập đoàn cộng sản Bắc Việt. Và những chương trình ấy, cũng đã vĩnh viễn vùi chôn theo ông Ngô Đình Nhu cùng chính thể Cộng Hòa Việt Nam.
 
Paris, 2/11/2011
Trần Trung Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét