Chân dung các tướng Cộng Sản

Bài 14
Chân dung các tướng VGCS
(Chuyện Thâm Cung Dưới Triều Đại Hồ Chí Minh) 
(Tác giả: Việt Thường)
--------------------

Sau vụ bản báo cáo về tù binh Mỹ còn bị Hà-nội giam giữ vào thời điểm năm 1972 do tướng Trần Văn Quang, tổng tham mưu phó cộng quân Hà-nội, ký bị khui ra từ cục lưu trữ thuộc trung ương đảng cộng sản Nga-xô (cũ), thì dư luận đột nhiên quan tâm đến giới tướng lãnh của cộng sản Hà-nội, nhất là những viên tướng bị tình nghi đã xử dụng tù binh Mỹ trong đơn vị mình phụ trách mà không chịu trao trả cho phía Mỹ.

Cần nhớ rằng chế độ xã hội mà tập đoàn Hồ Chí Minh áp đặt ở Việt nam là mô hình ANAX của chế độ nô lệ thời trung cổ ở phương Tây. Dưới chế độ đó, vua là chủ của con người lẫn tài sản thiên nhiên của đất nước. Vua cũng là lãnh tụ tối cao của tôn giáo và thống lãnh quân đội. Vua tồn tại nhờ dựa vào các thủ lĩnh quân sự có nhiều đặc quyền, đặc lợi và tầng lớp thư lại (giống như cán bộ của cộng sản). Việt Nam dưới sự thống trị của Hồ Chí Minh cũng thế. Hồ vừa là chủ tịch nước (biến dạng của vua), vừa là chủ tịch hội đồng quốc phòng, vừa là chủ tịch đảng cộng - tức giáo chủ của quái giáo. Hồ ngang nhiên xưng là “bác” với toàn dân (biến dạng của chữ Trẫm); là “cha già của dân tộc”. Hồ công khai thừa nhận nào là “ruộng đất cụ Hồ”, “cơm gạo cụ Hồ”, “áo cụ Hồ”, “con cháu cụ Hồ”, “dân cụ Hồ”, “cán bộ cụ Hồ”, “bộ đội cụ Hồ” và v.v... Phần nghi lễ bao giờ cũng có “quốc ca”, “đảng ca” và “lãnh tụ ca” (tức ca ngợi Hồ) và kèm theo hô khẩu hiệu “Hồ chủ tịch muôn năm” (tức biến dạng của : hoàng đế vạn vạn tuế).


Th.tướng Phan Trọng Tuệ 




Để đạt được tham vọng đó, Hồ luôn căn dặn các đệ tử rằng :“Đảng (cộng sản) phải độc quyền nắm lực lượng vũ trang và không được chia xẻ quyền lãnh đạo đó với ai.” Cho nên ngay từ cuộc Nam tiến lần thứ nhất (1946), về công khai là giúp đồng bào miền Nam Việt Nam chống sự quay lại của thực dân Pháp, nhưng mục đích chính là dùng biện pháp quân sự để nhuộm đỏ miền Nam, thanh toán các cá nhân, các đoàn thể, đảng phái khác, tiêu diệt các lực lượng quân sự giáo phái; thu hút thanh niên vào các tổ chức vũ trang. Cuộc Nam tiến lần thứ nhất đã đào tạo cho Hồ các viên tướng trung thành từ phía Bắc vào như Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai v.v... và ngay tại miền Nam như Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Phạm Hùng v.v...


Hồ quan tâm giao cho các tướng lãnh nhiều ghế trong chính phủ, như
-đại tá Phạm Hùng, phó thủ tướng phụ trách tài mậu (tức tài chính và mậu dịch);
-đại tướng Võ Nguyên Giáp : bộ trưởng quốc phòng;

-thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giao thông và bưu điện;
-thiếu tướng Ngô Minh Loan : bộ trưởng công nghiệp nhẹ;
-thiếu tướng Lê Liêm, thứ trưởng kiêm bí thư đảng đoàn bộ văn hóa;
-thiếu tướng Đỗ Mười, phó thủ tướng;
-thiếu tướng Nguyễn Thanh Bình : bộ trưởng nội thương;
-thiếu tướng Trần Đại Nghĩa : chủ nhiệm ủy ban khoa học và kỹ thuật;
-đại tá Hà Kế Tấn : bộ trưởng thủy lợi;
-trung tướng Hoàng Văn Thái và
-đại tá Nguyễn Văn Quặn là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban thể dục và thể thao;
-thiếu tướng Lê Hiến Mai núp dưới cái tên Dương Quốc Chính làm bộ trưởng thương binh và xã hội;
-thiếu tướng Trần Sâm : bộ trưởng bộ vật tư;
-thượng tướng Chu Văn Tấn : phó chủ tịch quốc hội;
-thiếu tướng Bằng Giang : chủ tịch khu tự trị Việt Bắc;
-thiếu tướng Lê Quảng Ba : chủ nhiệm ủy ban dân tộc;
-trung tướng Nguyễn Văn Vịnh : chủ nhiệm ủy ban thống nhất;
-đại tá Cẩn : bộ trưởng y tế;

  


Trần Văn Trà (1919-1996)Trần Văn Trà quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, sau vào cư ngụ tại Sài Gòn. Ông còn có bí danhTư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà. Xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, thời trẻ học tiểu học tại Quảng Ngãi, năm 1936, ông tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế; năm 1938 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam hai lần.

 Tướng Trần Tử Bình (1959)
-trung tướng Trần Tử Bình : đại sứ tại Tàu cộng;
thiếu tướng Thiết Hùng : đại sứ tại Bắc Hàn; và ngay thư ký riêng của họ Hồ cũng là tướng : thiếu tướng Vũ Kỳ !
 

Thực chất chính phủ Hồ Chí Minh là một chính phủ quân sự và nhiệm vụ chính của nó cũng là quân sự : bành trướng vào miền Nam và sang các lân bang, trước hết là Lào và Căm-Bốt.

Hồ đã nhiều lần khẳng định :”Quân đội là chỗ dựa vững chắc của đảng (cộng sản) và chính phủ. Quân đội cũng là trường học vĩ đại nhằm không ngừng đào tạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên trung thành với sự nghiệp của đảng (cộng sản).” Cho nên, có thể nói rằng, những viên tướng cộng sản Hà-nội đều có bề dầy “thành tích” làm ra núi xương, biển máu của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và Căm-Bốt, vì sự nghiệp độc tài toàn chế của Hồ Chí Minh.

Lê Hiến Mai (Mậu ngọ 1918 – Nhâm thân 1992). Tướng lãnh QĐNDVN, Thứ trưởng bộ Quốc phòng, quê xã Trạch Mĩ Lộc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tây.
.
Nếu không, những câu hay đoạn văn không có chú giải nguồn gốc có thể bị thay thế hoặc xóa đi bất cứ lúc nào.

ImageLê Hiến Mai (Dương Quốc Chính) (Mậu ngọ 1918 – Nhâm thân 1992)
 

CHO HAY QUẢ BÁO NHỠN TIỀN
Kể từ ngày Hồ chết, quyền lực được chuyển qua tay hai anh chàng họ Lê : Lê Duẩn, tổng bí thư đảng cộng và Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị, bí thư trung ương phụ trách trưởng ban tổ chức trung ương kiêm ủy viên quân ủy trung ương. Lê Đức Thọ tuy xếp hàng thứ 6 trong bộ chính trị cộng đảng, nhưng lại là nhân vật nắm quyền lực thực sự, lấn át cả Lê Duẩn là nhân vật số 1 sau khi Hồ chết. Bởi vì, Lê Đức Thọ nắm toàn bộ công tác nhân sự chủ chốt : từ thành phần chính phủ, thành phần quốc hội, cấu tạo thành phần ban chấp hành trung ương, đề bạt nhân sự từ cấp giám đốc vế chính quyền đến bí thư đảng bộ các cấp. Lê Đức Thọ học đúng ngón nghề của Hồ là hết sức nâng đỡ các đệ tử thân cận, cháu rể là Nguyễn Thanh Bình, đeo lon thiếu tướng giữ ghế chủ nhiệm tổng cục hậu cần cộng quân (thay Trần Đăng Ninh chết), rồi về làm bộ trưởng bộ nội thương; làm bộ trưởng thủy lợi; vào bộ chính trị cộng đảng kiêm ủy viên thường trực ban bí thư trung ương. Một cháu rể khác là Nguyễn Văn Cừ, ủy viên dự khuyết trung ương kiêm bí thư tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn (đã chết). Cháu ruột là thiếu tướng, tổng cục phó tổng cục an ninh. Hai em ruột là đại tướng công an đầu tiên của cộng sản, Mai Chí Thọ; và trung tướng chủ nhiệm tổng cục hậu cần kiêm phó tổng tham mưu trưởng, kiêm bộ trưỏng dầu khí Đinh Đức Thiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình (tên khai sinh: Nguyễn Văn Huyên, bí danh: Giáo, Bình), sinh ngày 4-5-1920; quê quán: xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; nguyên bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ Thủy lợi; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước, chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ; nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội... do lâm bệnh nặng đã từ trần hồi 3g30 ngày 19-3-2008.

Chính viên tướng Đinh Đức Thiện này (họ trong khai sinh là Phan, quê ở Nam Định, xuất thân gia đình quan lại) có dư luận hành lang là đã nắm giữ một số tù binh Mỹ để phục vụ trong công tác nghiên cứu hậu cần quân đội.
Lê Đức Thọ và H. Kissinger


Lê Đức Thọ là loại hoạt đầu chính trị có hạng, vừa tàn bạo vừa tham quyền cố vị, không từ một thủ đoạn bẩn thỉu nào mà không dám làm; tính tình điềm đạm. Hai con mắt sắc lạnh lùng và cười với hàng răng xin xít, những cái răng to như răng ngựa. Có lẽ Lê Đức Thọ chỉ thực sự “sợ” có hai người là Hồ Chí Minh và bà vợ hai xinh đẹp của Lê Đức Thọ. Khi bà vợ hai này đẻ, nằm ở bệnh viện C (Hà-nội), dù bận trăm công nghìn việc, Lê Đức Thọ vẫn đều đặn ngày hai buổi vào bệnh viện thăm vợ, săn sóc trong hai bữa ăn chính.
Đại tướng CS Mai Chí Thọ

Mai Chí Thọ là em út trong gia đình nhà Lê Đức Thọ, được lôi từ cái ghế bí thư khu ủy khu 8 về lãnh đạo ngành công an ở khu vực miền Nam cùng với Lâm Văn Thê, sau này ở phiá Bắc bổ xung thêm Nguyễn Công Tài. Mai Chí Thọ trông tốt tướng hơn Lê Đức Thọ và cuộc đời tình ái cũng rất hoang đàng, bắt bồ phần lớn trong giới nghệ sĩ cả kim cả cổ, tuy chính thức chỉ một vợ chứ không đa thê như Lê Đức Thọ.

Thượng tướng Đinh Đức Thiện
Việt gian Phùng Thế Tài
Tướng Đinh Đức Thiện khác cả anh là Lê Đức Thọ và em là Mai Chí Thọ. Đây là viên tướng chửi tục, nói nhảm nhất trong binh lính của Hồ Chí Minh. Nếu Lê Đức Thọ và Mai Chí Thọ có tác phong quan cách như mẫu Võ Nguyên Giáp, ăn nói bay bướm văn vẻ bao nhiêu, thì ngược lại, Đinh Đức Thiện thô lỗ, cục cằn; về ăn mặc, đi đúng thì là mẫu của viên đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nghĩa là giản dị xuề xòa. Đinh Đức Thiện bắt chước tướng Nguyễn Chí Thanh cả thói quen giải quyết công việc, tính xục xạo xuống từng đơn vị. Như có lần tướng Đinh Đức Thiện đi kiểm tra đột ngột một số binh trạm, kho tàng ở vùng Quảng Trị, đến một binh trạm thì viên thượng úy phụ trách binh trạm đi sang một đơn vị nữ thanh niên xung phong chơi, ở nhà chỉ có một thượng sĩ trực. Đinh Đức Thiện hỏi tình hình và viên thượng sĩ báo cáo rành mạch các số liệu của binh trạm. Vừa lúc đó viên thượng úy đi chơi về. Đinh Đức Thiện đã nhân danh tổng tham mưu phó lột lon của viên thượng úy gắn cho viên thượng sĩ - nhảy một lúc bốn cấp -, và lấy lon của viên thượng sĩ gắn cho viên thượng úy - giáng bốn cấp. Câu chuyện này được truyền nhanh như điện vào suốt các binh trạm hậu cần từ Bắc đến Nam, đã khiến các hạ sĩ quan cố gắng nắm vững tình hình binh trạm, hy vọng có ngày gặp Đinh Đức Thiện để nhảy cấp. Còn các chỉ huy binh trạm thì ít ai dám rời binh trạm, tất cả đều sợ viên tướng mắt ốc nhồi râu quai nón này.

Vận dụng “tư tưởng Hồ Chí Minh” - đương nhiên được Hồ cho phép - tướng Đinh Đức Thiện đã có “sáng kiến” cất dấu vũ khí, xăng dầu, quân nhu v.v... vào đền chùa, nhà thờ, bệnh viện, trường học, khu chung cư của nhân dân. Như thế, nếu Mỹ tiến công vào đó thì dân sẽ bị chết theo và phiá cộng sản Hà-nội tha hồ tố cáo Mỹ ném bom bắn phá giết hại dân lành, trẻ em; phá hoại bệnh viện, trường học, đền chùa, nhà thờ v.v... Thí dụ như vụ ném bom vào bệnh viện Bạch Mai, vào trường mẫu giáo ở Trạm Chôi (Hà Nội) v.v... vì thật ra những chỗ đó đã được Đinh Đức Thiện để lẫn vũ khí, quân nhu. Bệnh viện Bạch Mai bị sập một bộ phận, nhiều người bị chết, trong đó có chị ruột của giáo sư khoa sử trường đại học tổng hợp Hà-nội, là Trần Quốc Vượng, một bồi bút hoạt đầu của cộng sản, đã bị Dương Thu Hương chửi khéo trong “Anh hùng tỉnh lẻ”. Còn ở trường mẫu giáo ở Trạm Chôi thì cả các cháu bé lẫn cô dạy trẻ, lẫn mẹ các cháu đi thăm con sơ tán bị chết gần hai chục mạng trong đó có em nhỏ vẫn hát trên đài (ở phiá Bắc trước 1975) bài :

“Bé bé bằng bông
Hai má hồng hồng
Bé đi sơ tán
Bế em đi cùng...”

Phóng viên nước ngoài đã đến quay phim, chụp ảnh những nơi đó và cả trong và ngoài nước Việt Nam đều chửi Mỹ, nhưng người ta đã quên chửi tướng Đinh Đức Thiện và các cấp lãnh đạo của hắn.

Đinh Đức Thiện là viên tướng ít về thăm vợ con. Những người không biết chuyện thì khen tướng Thiện mẫn cán, lo việc quân quên việc nhà. Sự thật không phải vậy. Nguyên nhân là do tính thô bạo, cục cằn nên có lần Đinh Đức Thiện đã đánh đứa con trai duy nhất của mình đến mức bị mù một mắt, điếc một bên tai và trở thành điên điên, khùng khùng. Từ đó Đinh Đức Thiện rất hãn hữu mới về nhà vì không dám nhìn đứa con tàn phế do chính mình gây ra.

Thô bạo, cục cằn nhưng Đinh Đức Thiện cũng rất ma giáo và biết lợi dụng người khác khá là tài tình. Thí dụ, sau 30-4-75 chính Đinh Đức Thiện đã biết gọi tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo làm cố vấn kinh tế cho mình. Trong ban cố vấn còn có cả Chung Đức Mai. Và, tướng Thiện đã bày trò mở lớp nghiên cứu chính trị cho trí thức miền Nam, có khả đủ các khuôn mặt sắc nước của miền Nam cũ như phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo, thẩm phán tối cao pháp viện Trần Thúc Linh, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, dân biểu Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu (về sau là nhân tình của Xích Điểu - tức Trần Minh Tước, từng là tổng thư ký Hội nhà báo của cộng sản Hà-nội), Chung Đức Mai v.v..., làm như trí thức miền Nam sắp có chỗ đứng “khả ái” trong xã hội cộng sản ! Có biết đâu, đó là bài bản đầu tiên mà Đinh Đức Thiện biểu diễn để xem những trí thức đó “thức” hay “ngủ”, giữa lúc cộng sản còn chưa hoàn toàn làm chủ được về trị an. Cái lớp học mà một bên học sinh là các trí thức có hạng và “giáo sư” chính là me-xừ Vũ Khiêu mới học hết cấp hai phổ thông trung học; nguyên là giáo viên tiểu học của trường miền núi Lạng Sơn (trước 1945). Sau 1945 vớ được cái ghế chủ nhiệm Việt Minh của thị xã Lạng Sơn, và đến phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm (sau 1954) nhờ vào làm tà-lọt năng nổ ở cửa Tố Hữu nên được lôi cổ lên cái ghế Viện trưởng Viện mỹ học Marx-Lénine !!! Vậy mà cũng phải thảo luận, viết thu hoạch tự xỉ vả bản thân và xỉ vả lẫn nhau. Một số bản thu hoạch đầy ăn năn hối lỗi (đã chậm chấp nhận thân phận nô lệ cho cộng sản) được trích đăng trên báo Đại Đoàn Kết (Sài-gòn), như bài của thẩm phán Trần Thúc Linh, Kiều Mộng Thu, Lý Quý Chung. Lớp học kết thúc, Đinh Đức Thiện cho ra đời cái Hội trí thức yêu nước mà chủ tịch là vị tiến sĩ quê ở Sa-đéc, viết báo khoe thành phần lý lịch rằng bố đẻ làm nghề quét rác ở chợ thị xã Sa-đéc !!! Ô hô ! Thương hại quá thay cho ông tiến sĩ Lê Văn Thới !!!

Đinh Đức Thiện nổi tiếng nói tục và ngang bướng (chắc ỷ anh em, họ hàng làm lớn) đến độ có lần cùng đi công tác chung với Tố Hữu, ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư trung ương cộng đảng phụ trách ủy ban tuyên huấn trung ương, tướng Thiện vẫn chửi lính nói tục, khiến Tố Hữu quê với thuộc hạ. Tố Hữu lựa lời nói với tướng Thiện :”Bao giờ anh mới bớt nói tục hả anh Thiện ?” Tướng Thiện cười vào mặt Tố Hữu mà rằng :”Bao giờ anh thôi làm thơ thì tôi bớt nói tục”. Tố Hữu bẻ mặt, đánh bài lờ. Và để chứng minh tính cách độc đáo của mình, khi trở về qua Nam-Hà gặp một cuộc họp báo của tỉnh, tướng Thiện cười khà khà :- Tụi mày chỉ dám đăng thơ của anh Tố Hữu, còn thơ của tao có báo nào dám đăng không ?

Rồi Tướng Thiện đọc luôn :

“Thế gian nhất đẹp là l...
Nhất ngon là muối, nhất khôn là tiền.

Và thấy cái ảnh của lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp các nữ xã viên đang hái chè trên đồi chè Đào Giã (Phú Thọ) tướng Thiện đề nghị nên chú thích vào tấm ảnh đó như sau :

Em đi lên núi hái chè
Gặp thằng bỏ mẹ nó đè em ra
Nó bóp rồi nó lại xoa
Ngoảnh đi ngoảnh lại nó đút cái mả cha nó vào !”

Tất nhiên cả hội nghị cười hề hề, kể cả Lê Điền, bí thư tỉnh ủy Nam-Hà, người đang chủ trì cuộc họp báo.

“Nhất khôn là tiền”, quả thật đó là sự mơ ước của tất cả những tụi cộng sản chóp bu từ thời kỳ đó, cho đến sau này là các Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt v.v... Đương nhiên trong đó có ba anh em nhà Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ và Đinh Đức Thiện !

Thời gian ở Sài-gòn sau 30-4-1975, tướng Thiện đã thường xuyên đến tòa biệt thự của ông Đức Âm, ở đường Gia Long để “chiêm ngưỡng” kho tàng đồ cổ ở đó. Và, cuối cùng thì gần như trọn vẹn đồ cổ của nhà ông Đức Âm, chủ Đại-nam ngân hàng, lọt hết vào tay Đinh Đức Thiện !

Mặc thì xuề xòa, nhưng tướng Thiện ăn và chơi lại hết sức xa hoa, đúng kiểu của Hồ Chí Minh. Vốn tính thích đi săn, nên tướng Thiện ra lệnh cho Tổng cục hậu cần cộng quân sản xuất những loại đạn đặc biệt cho khẩu súng săn đặc biệt để đi săn ngỗng trời, vịt trời trên sông Hồng. Tướng Thiện hay đi săn với tướng Phan Trọng Tuệ, bộ trưởng giao thông và bưu điện. Nhà riêng trần thiết như cung điện của vua. Ăn thì ngọc dương, yến sào, bào ngư, gan gà thiến; rượu thì uống rượu ngâm nhung, sâm cắc kè, rắn hổ v.v... hoặc huyết chim sẻ.

Sau cái chết của đại tướng Lê Trọng Tấn ít tháng thì tướng Đinh Đức Thiện đột ngột lăn ra chết. Tin chính thống thì nói tướng Thiện ngộ nạn khi đi săn. Nghĩa là bị một viên đạn bắn vào đầu. Cách giải thích đó nghe có vẻ hợp lý vì tướng Thiện là người hay đi săn. Nhưng nó không đầy đủ ở chỗ ai bắn tướng Thiện ? Hay tự tướng Thiện bắn vào đầu mình ? Với cây súng săn dài gần hai mét đó sao ?

Ngót nghét bốn chục năm lăn lộn ngoài chiến trường mà không bị thương vì bom đạn, thế mà cuối đời, trung tướng Đinh Đức Thiện, bộ trưởng bộ dầu khí kiêm tổng tham mưu phó cộng quân; kiêm chủ nhiệm tổng cục hậu cần cộng quân; là ủy viên dự khuyết trung ương cộng đảng từ khóa 3 và đến khóa 4 là ủy viên trung ương chính thức trong số 101 ủy viên chính thức của ban chấp hành trung ương cộng đảng, lại chết vì đạn bắn... vịt trời.

Đúng là quả báo nhãn tiền. Bởi cái sự thật mà cộng đảng Việt Nam cố tình che dấu về cái chết của Đinh Đức Thiện cuối cùng cũng lộ ra ngoài. Kẻ bắn chết tướng Thiện chính là đứa con trai duy nhất của tướng Thiện. Đứa con bị tướng Thiện đánh mù mắt, hỏng một tai và trở thành khùng khùng đó đột nhiên lên cơn điên, xách khẩu súng săn mà Đinh Đức Thiện đang chuẩn bị đi săn vịt trời, bắn vào đầu Đinh Đức Thiện, viên tướng thân cận của họ Hồ, có bề dày tội ác với nhân dân và đất nước Việt Nam. Thiện mà ác nên phải chết thảm khốc như vậy, lẽ trời thật là công bằng.

T Ư Ớ N G C A O B Ồ I

Quy luật đối xứng dường như đúng trong mọi trường hợp, kể cả những trường hợp đặc biệt. Tỷ như, ở miền Nam trước 1975 có tướng cao bồi thì ở miền Bắc cũng có một tướng cao bồi. Có người cho rằng ở Việt Nam từ cổ chí kim, chưa bao giờ có người cỡi ngựa chăn bò đàn, nên chữ “cao bồi” đây không phải là anh chàng chăn bò theo tiếng Mỹ, mà là theo tiếng Việt hoàn toàn, nghĩa là “bồi cấp cao” hoặc “làm bồi cho cấp cao”. Cả hai nghĩa đều xử dụng được tùy hoàn cảnh cụ thể.

Tướng “cao bồi” ở miền Nam thì lừng danh trên báo chí trong và ngoài nước nhiều rồi. Cho nên bài này chỉ đề cập đến tướng “cao bồi” của miền Bắc cộng sản. Đó là thiếu tướng Phùng Thế Tài, từng giữ cùng một lúc các chức vụ : tư lệnh binh chủng phòng không - không quân, phó tổng tham mưu trưởng cộng quân Việt Nam kiêm tổng cục trưởng tổng cục hàng không dân dụng.

Tướng Phùng Thế Tài nguyên là người huyện Thường Tín (Hà-đông cũ), cách trung tâm Hà-nội khoảng 25 km. Trước năm 1945, chợ huyện Thường Tín rất là nhộn nhịp, sầm uất, có bán cả trâu, ngựa và cả voi, cũng như một số thú dữ khác. Ngay phố huyện cũng có một số nhà thổ, cô đầu. Cuối tuần, các ông tham ông phán thường trốn vợ rủ nhau đi chơi cô đầu ở chợ Thường Tín, an toàn hơn đi cô đầu ở Khâm Thiên, vì sợ các bà vợ đến đánh ghen. Nhà văn Nguyễn Tuân, khi còn trẻ, cũng hay lui tới cô đầu chợ Thường Tín giải sầu, gợi hứng.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, không nông, không công, làm các nghề không rõ ràng ở xó chợ Thường Tín, cha mẹ Phùng Thế Tài đã sớm bỏ các con lớn lên lay lắt quanh chợ. Vì thế, Phùng Thế Tài là một dạng trẻ bụi đời ở chợ huyện. Hơn mười tuổi đầu, Phùng Thế Tài bỏ nhà ra Hà-nội, đến Ô quan chưởng ngồi xếp hàng chờ người đến mướn về làm thằng nhỏ. Người đến mướn Phùng Thế Tài là một bà vợ ông ký hỏa xa ở tỉnh Yên Bái. Máu bụi đời du đãng nên Phùng Thế Tài không ở trong nhà ông ký hỏa xa ở Yên Bái được bao lâu thì đã bỏ trốn lên tàu hỏa tìm đường sang Vân Nam, bên Tàu, bám vào một gia đình tiểu thương người Việt Nam có cửa tiệm ở thị trấn Mông Tự, thuộc tỉnh Vân Nam, bên Tàu. Nhưng rồi, cái tính ngỗ ngược nẩy mầm từ xó chợ huyện Thường Tín (Việt Nam) của Phùng Thế Tài khiến chỉ ít lâu sau là phải bỏ nhà chủ ra chợ Mông Tự ăn xin. Chính ở đây, Phùng Thế Tài đã gặp một người Việt Nam làm nghề hớt tóc dạo, tên là Vũ Anh cưu mang đem về nhà nuôi và nhận làm con nuôi. Thời kỳ đó nhà Vũ Anh đã có lần là chỗ mà Hồ Chí Minh tá túc, do Hoàng Văn Hoan giới thiệu đến. Hồ đã dạy cho Vũ Anh biết chữ quốc ngữ và đã có nhận xét rằng Vũ Anh là người dốt nhất nước Việt Nam. Bởi vì các bài vở Hồ viết để gửi vế Việt nam, như lời Hồ nhận xét, hễ mà Vũ Anh đọc mà hiểu thì cả nước Việt nam đều hiểu. Ấy thế mà sau này khi Hồ cướp được quyền cai trị ở Việt Nam, Hồ đã trả ơn những bữa ăn “Siếu mẫu” ở nhà Vũ Anh bằng cách cho Vũ Anh giữ chức thứ trưởng thứ nhất bộ công nghiệp nặng kiêm bí thư đảng đoàn của bộ !!!

Vũ Anh ngày ngày xách hòm đồ nghề đi khắp làng xóm ở Mông Tự hớt tóc dạo kiếm ăn, còn Phùng Thế Tài từ tin mơ đã ra chợ Mông Tự xem có ai mướn làm những việc vặt nhất thời thì làm, như quyét dọn chỗ bán hàng, khiêng hàng. Ngày nào không có việc thì cùng lũ trẻ bụi đời đánh đinh, đánh đáo, ăn cắp vặt ở các vườn hoặc ăn xin các khách quen. Năm tháng qua đi, Phùng Thế Tài đã trở thành một thanh niên vạm vỡ và nổi tiếng liều mạng, dám đâm thuê chém mướn. Một lần Hoàng Văn Hoan về Vân Nam phủ để tuyên truyền “cách mạng”, cần có người bảo vệ để đối phó với đàn em của ông Vũ Hồng Khanh (tức ông giáo Giảng) nên Vũ Anh sai Phùng Thế Tài đi bảo vệ Hoàng Văn Hoan. Sự quen biết mới này đã mở ra bước ngoặt mới cho số phận của Phùng Thế Tài. Được Hoàng Văn Hoan giới thiệu, Phùng Thế Tài vào họ trường quân sự Hoàng Phố của Tàu. Khi ra trường, Phùng Thế Tài được đeo lon trung úy, làm đặc vụ, vì Tài bắn súng rất giỏi. Với khẩu “pò-khoọc” trong tay, trong vòng 20 mét, Tài có thể bắn bách phát bách trúng.

Đúng thời kỳ đó, Hồ về biên giới Việt Nam để hoạt động. Và, Hồ thường xuyên đi từ Tàu về Việt Nam và ngược lại. Hoàng Văn Hoan đã giới thiệu cho Tài làm bảo vệ riêng cho Hồ, nhưng không cho Tài biết rõ Hồ là ai, chỉ gọi là “lão đồng chí”. Vì là trung úy đặc vụ của quân Tưởng nên Tài bảo vệ Hồ đi trên nước Tàu rất thuận lợi. Không những không bị lý dịch xét hỏi, mà Tài còn xách nhiễu các hào lý để lấy rượu thịt ăn nhậu và cướp cả ngựa cho Hồ cưỡi. Vốn máu du đãng, lại thấy Hồ chẳng có gì đáng kính phục, lại hay bị Hồ bắt bẻ, Tài thường vặc lại Hồ và cuối cùng Tài nhất định không chịu bảo vệ Hồ nữa.

Vào dịp năm 1945, khi chính quyền Việt Minh ở thị xã Làng Sơn hình thành, Vũ Khiêu được cử làm chủ nhiệm Việt Minh của Lạng Sơn, còn Phùng Thế Tài được cử giữ chức vụ ủy viên quân sự của tỉnh. Và cuối năm 1946, Tài được biên chế vào quân chính qui. Lần phong quân hàm đầu tiên, khi Võ Nguyên Giáp là đại tướng tổng tư lệnh thì Phùng Thế Tài được phong cấp đại tá. Máu du đãng, cao bồi vẫn vậy, Tài thường xách ba-toong đánh lính và chửi lính. Tài rất ghét lớp lính và sĩ quan có nguồn gốc học trò hoặc từ lớp trên trong xã hội. Cái mặc cảm đó làm Tài cực kỳ hung hăng, thô bạo với cấp dưới. Trong hội nghị quân sự năm 1951 ở Tuyên Quang, Hồ đã gọi Tài đến trước mặt và hỏi :
- Chú là Phùng Thế Tài phải không ?
- Thưa Bác, vâng.
Tài vừa dứt lời thì Hồ cho Tài một bạt tai. Bị đánh, Tài nổi khùng :
- Sao bác dám đánh tôi ?
Hồ nghiêm giọng :
- Chú chỉ mới đeo lon đại tá mà dám đánh chửi, hạ nhục các đồng chí sĩ quan kế cận và chiến sĩ trong đơn vị. Nay bác là chủ tịch nước, tát một đại tá như chú thì có gì là lạ. Phải không ?
Tài im lặng. Hồ tủm tỉm cười hỏi tiếp :
- Chú giận bác lắm hả ? hãy nói thực đi.
Tài gật đầu. Hồ nói :
- Chú tự ái và xấu hổ nên tức giận. Thế thì những anh em bị chú đánh chửi cũng có tâm trạng như chú bây giờ. Có đúng không ?
Tài lại gật đầu. Hồ lại nói :
- Vậy từ nay chú có hứa với bác là không đánh chửi cán bộ, chiến sĩ dưới quyền không ?
Tài đứng nghiêm :
- Thưa bác, tôi xin hứa.

Phùng Thế Tài chỉ hứa lèo cho qua chuyện. Máu cao bồi còn trong huyết quản nên Tài vẫn tiếp tục đánh và chửi thuộc cấp. Còn Hồ, tát tai Tài cũng chỉ là làm trò ảo thuật để tuyên truyền cho bản thân, đặt ra các huyền thoại về mình mà thôi. Cho nên Tài vẫn được Hồ giao cho những nhiệm vụ quan trọng, tuy không lên lon. Thí dụ, Trần Quý Hai, là thiếu tướng, lại là ủy viên dự khuyệt trung ương cộng đảng mà chỉ giữ chức phó tổng tham mưu trưởng mà thôi. Còn Phùng Thế Tài, tuy chỉ là đại tá, không nằm trong trung ương, nhưng lại vừa giữ chức phó tổng tham mưu trưởng kiêm tư lệnh và chính ủy binh chủng phòng không - không quân, một binh chủng cực kỳ hiện đại và quan trọng của cộng quân Việt Nam. Thật là một trời một vực so với loại đại tá “ba sao” cò mồi, đi đâu cũng khoe biết nhiều và quan trọng nhưng khổ nỗi chỉ là đệ tử kiêm lá bài của tướng an ninh Dương Thông ! (từ sau 1976, quân giai trong cộng quân Hà-nội bỏ cấp thượng tá “3 sao”, từ trung tá “hai sao” lên thẳng đại tá nhưng chỉ có 3 sao, vẫn bị lép vế với đại tá “4 sao”).

Thật quả Tài đã không uổng công Hồ và bộ chính trị cộng đảng tín nhiệm. Thí dụ trong vụ mấy thanh niên miền Nam bất mãn vì bị đối xử bất công, đã cướp tỉnh Ninh Bình, giữ bí thư và chủ tịch tỉnh cùng trưởng ty công an làm con tin. Tướng Tô Ký được lệnh đem quân “dẹp loạn”, đã thuyết phục số thanh niên đó đầu hàng và hứa sẽ khoan hồng cũng như sẽ xem xét những khiếu nại của họ. Trên đường về gặp Phùng Thế Tài. Tài cho đem tất cả số thanh niên đó ra bờ sông Đoan Vĩ (Phủ Lý) bắn chết hết. Tướng Tô Ký khiếu nại lên cấp trên. Nhưng bộ chính trị cộng đảng ra mặt ủng hộ quyết định cứng rắn của Phùng Thế Tài; và, cũng từ đó ngôi sao chiếu mệnh của tướng Tô Ký, tư lệnh quân khu Tây Bắc bị lu mờ; có lúc đã bị ngồi chơi xơi nước ở tòa biệt thự lộng lẫy được xây dựng mới ở thị xã Hà-đông.

Sau đó lại đến vụ tân binh gốc Hà-nội, năm 1970, cướp đoàn tàu hỏa trong dịp Tết nguyên đán, bắt nhân viên trên tàu làm con tin, đòi có công bằng trong thi hành luật nghĩa vụ quân sự. Vì khi đó con dân thì bị bắt lính, còn con em “lãnh đạo” thì không. Và, nếu như có bị bắt lính thì không phải đi làm bia đỡ đạn, mà để mặc áo lính đi học ở các trường quân sự cao cấp ở Nga-xô hoặc các nước Đông-âu, hoặc học các trường đại học khác ở nước ngoài theo học bỗng dành cho quân đội. Một lần nữa Phùng Thế Tài lại ra tay. Tài dùng trực thăng đổ quân xuống phục kích ở ga Việt Trì (Vĩnh Phú), dùng loa kêu gọi tân binh xuống sân ga đầu thú sẽ tha tội. Gần hai trăm tân binh gốc Hà-nội xin đầu thú. Phùng Thế tài khoan hồng như “đã hứa” bằng cách cho bắn chết hết ở bờ sông Bạch hạc (Việt Trì). Thuộc cấp kinh hoàng gợi ý rằng :
”Họ đã ra hàng ngay khi kêu gọi và lời hứa khoan hồng thì sao ? Vả chăng họ trẻ quá, dại dột mà thôi và giết như thế thì nhiều quá !”
Phùng Thế Tài đã đập gậy ba-toong xuống đất và quát thuộc hạ :
- Đây là ý trung ương. Khoan hồng con củ c... Đ...mẹ, thiếu gì lính mà không bắn cha nó đi cái lũ nứt mắt đã vô kỷ luật này. Đ... mẹ thằng nào còn nói nữa tao cũng cho bắn luôn !

Có người nghe chuyện đã vỗ đùi khen Phùng Thế Tài là “tướng ra tướng” vì đã hết sức nghiêm khắc trong kỷ luật quân sự. Nực cười rằng sự thực khác hoàn toàn. Đó là câu chuyện xẩy ra vào năm 1971, vừa đúng một năm sau ngày Phùng Thế Tài ra lệnh bắn chết gần hai trăm tân binh “vô kỷ luật” ở bến sông Bạch hạc (Việt Trì). Chẳng là con trai Phùng Thế Tài cũng vừa bị bắt lính, đeo lon binh nhì trong tiểu đoàn tên lửa đặt ở sân vận động Hàng Đẩy, ngay trung tâm Hà-nội, thuộc trung đoàn phòng không bảo vệ thủ đô Hà-nội, đang chờ lên đường sang Nga-xô học về quân sự. Có máu lưu manh, cao bồi, lại ỷ thế cha là tư lệnh binh chủng, hắn thường bỏ ra ngoài đơn vị la cà bia bọt, chọc ghẹo đàn bà con gái, đánh lộn. Một hôm giữa trưa hắn đòi ra trại đi “công chuyện”. Viên đại úy trực ban không cho phép. Thế là hắn về phòng lấy súng ra bắn chết gục viên đại úy trực ban trên bàn làm việc. Mọi người giữ hắn lại và điện thoại cho Phùng Thế Tài hay. Ngồi xe hơi đến sân vận động Hàng Đẩy, vừa thấy con, Phùng Thế Tài quất cho thằng con “vô kỷ luật bắn chết cấp trên” vài ba-toong và lôi lên xe hơi bỏ đi. Viên đại úy chết không nhắm được mắt. Còn thằng con vô kỷ luật của viên “tướng ra tướng” đó bị đẩy qua Nga-xô bằng chuyến máy bay của hãng Aéroflot sớm nhất để thả bộ trên bờ sông Volga ngắm mông và ngực các cô gái Nga phốp pháp, chờ ngày vào học một trường quân sự cao cấp để sau này nối nghiệp cha.

Còn Phùng Thế Tài, vẫn cứ là đại tá phó tổng tham mưu trưởng kiêm tư lệnh binh chủng phòng không - không quân. Và, đến sau 1976 thì được gắn lon thiếu tướng kiêm thêm chức tổng cục trưởng tổng cục hàng không dân dụng.

* **

Qua chân dung vài viên tướng cộng sản Hà-nội, có thể hiểu thêm phần nào về tội ác của tập đoàn Hồ Chí Minh đối với nhân dân và tổ quốc Việt Nam. Và, giữa cái lúc cộng sản Việt Nam đang tung hỏa mù chiêu thức “hòa hợp hòa giải”, chúng ta cần tỉnh táo ghi nhận ý kiến rằng :“đừng nghe cộng sản nói mà nhìn cộng sản làm” đến lúc này vẫn còn có giá trị là một lời khuyên sáng suốt để nhận diện các loại cò mồi thì thọt như các bóng ma ra hải ngoại, làm cái việc na ná như Đinh Đức Thiện và Phùng Thế Tài - nghĩa là làm lợi cho cộng sản độc tài bằng mọi giá và làm hại tất cả những người đã là hoặc may mắn chưa là nạn nhân của cộng sản.

Tháng 6-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét